Chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão năm 2021
Thành phố Hạ Long có tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.119,12 km2 , chiều dài bờ biển trên 50 km, 32 km tuyến đê sông, đê biển, hơn 875,9 km2 là diện tích đồi núi, địa hình nhiều sông, suối, đập tràn. Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, phương án nhằm chủ động phòng chống lụt bão với phương châm "Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu trong đó lấy phòng tránh là chính" nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Lực lượng quân sự luyện tập các phương án Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống mùa mưa bão. Ngay từ đầu năm, Ban CHQS thành phố- cơ quan thường trực BCĐ PCTT TKCN thành phố đã tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án; đồng thời tiến hành huấn luyện bổ sung và luyện tập thuần thục các phương án dự kiến để các chiến sỹ nắm chắc nhiệm vụ, sử dụng thành thạo các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Trung tá Trần Thăng Long, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS thành phố:: Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ nòng cốt trong công tác PCTT&TKCN, các đơn vị quân đội trên địa bàn tiếp tục tổ chức giáo dục, quán triệt cho CBCS và nhân dân về ý thức, trách nhiệm với công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của quân đội và LLVT; sẵn sàng cơ động lực lượng tham gia TKCN, giúp dân khi có thiên tai; thực hiện theo đúng phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) luôn được coi trọng.
Với quan điểm lấy công tác “phòng là chính”, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”, Thành phố đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ thành viên của Thành phố và các xã, phường; thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức rà soát, đề xuất các phương án, biện pháp xử lý đảm bảo an toàn nhất cho nhân dân mùa mưa bão. Nhiều tuyến mương thoát nước được đầu tư, làm mới, tuyến đường được nâng cốt nền đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Anh Vũ Văn Pháp, tổ 65, khu 7, phường Cao Thắng phấn khởi chia sẻ: người dân ở đây nhiều năm chịu ngập lụt, nên rất phấn khởi được làm đường; chúng tôi đồng tình ủng hộ hiến đất làm đường mong muốn chính quyền khởi công luôn xong trước mùa mưa chống ngập lụt.
Đập hồ Yên Lập chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng chống thiên tai
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 102 công trình hồ đập (trong đó có 16 hồ chứa), ngoài cung cấp nước phục vụ sản xuất, các công trình này còn có nhiệm vụ điều tiết nước, cắt lũ, giảm ngập úng cục bộ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa bão. Chính vì vậy, việc giữ an toàn cho các hồ đập có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đảm bảo tính mạng, tài sản và sản xuất của nhân dân. Trước mùa mưa bão năm nay, tại hồ Yên Lập - công trình chứa nước lớn nhất của tỉnh (dung lượng nước chứa trên 127 triệu m3), ngay từ đầu tháng 4, Công ty TNHH MTV Thủy lợi hồ Yên Lập đã ban hành quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa nước. Theo đó, từ 31/5 đến 30/6, hồ sẽ giữ mực nước cao nhất tại cao trình +24,94m. Riêng từ 30/6 đến 31/7, mực nước giữ cao nhất tại cao trình +26,5m sẽ tiến hành mở xả với lưu lượng khoảng 270m3/s. Bên cạnh phương án xả lũ, công ty đã chủ động kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng phương án cụ thể xử lý các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
Ông Vũ Trọng Tĩnh , Phó Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên thủy lợi hồ Yên Lập Quảng Ninh cho biết thêm: Để phòng chống thiên tai, chúng tôi xây dựng phương án phòng chống thiên tai cho từng hồ; thực hiện phương châm 4 tại chỗ, dự phòng máy phát thay tất cả máy nâng hạ xả lũ, hệ thống cảnh báo lũ đầu nguồn để chủ động xử lý tình huống; rà soát vùng hạ du nếu có tình huống xấu nhất sẽ có phương án di dân.
Những đoạn sạt lở trên tuyến đường Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được BOT Biên Cương xây dựng kè chắn kiên cố
Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn là một trong những hạng mục xây dựng giao thông quan trọng nhất để kết nối toàn bộ tuyến giao thông giữa thủ đô Hà Nội với các thành phố phía bắc Việt Nam. Mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2020 cùng điều kiện địa chất kém (địa chất khu vực thành phần chủ yếu là sét pha lẫn dăm, cục) gây ra một trận lở đất lớn trên sườn dốc tại vị trí Km 24+ 510 cùng 1 số vị trí khác. Để chủ động phòng tránh sạt lở đất gây mất an toàn cho tính mạng và tài sản nhân dân, Công ty CP BOT Biên Cương đã rà soát, thi công 6 điểm sạt lở, sử dụng các lưới địa kỹ thuật có chiều dài từ 8-12m. Cùng với đó là hệ thống thoát nước đỉnh, kết hợp với hệ thống thoát nước được bố trí bên trong cấu trúc công trình để thu nước mặt cũng như nước ngầm vào rãnh thoát nước một cách hiệu quả.
Ông Trần Quang Đạo, Phòng Bảo hành vận trì, Công ty CP BOT Biên Cương chia sẻ: để chuẩn bị cho công tác phòng chống sạt lở, năm nay chúng tôi đã chuẩn bị các phương án, thành lập BCĐ phòng chống lụt bão cấp cơ sở, phương án phân luồn giao thông , chuẩn bị máy móc con người, tài chính sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra
Với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của của chính quyền địa phương và các cơ quan đơn vị với phương châm “4 tại chỗ”, công tác phòng chống lụt, bão của thành phố sẽ phát huy hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất thiệt hại khi mưa bão xảy ra./.
Hồng Hạnh
Tin tức khác
- Mức trợ cấp khi bị tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp từ 01/7/2024
- Điều kiện hưởng chế độ thai sản 2024 đối với người lao động
- Cảnh báo lừa đảo qua ứng dụng Telegram
- Hiệu quả từ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phường Hoành Bồ
- Hạ Long ra quân tuyên truyền đảm bảo trật tự, an toàn giao thông