Một số việc cần làm cho sản xuất Lúa vụ Xuân 2024
Để hoàn thành được kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, trước lúc vào gieo cấy vụ Xuân 2024, bà con nông dân cần làm tốt một số việc sau:
1, Vệ sinh, chỉnh trang đồng ruộng:
Đây là công việc rất cần thiết trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Hàng năm từ tháng 10 đến 12 ngành nông nghiệp phát động phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng, bờ thửa, làm đường giao thông nội đồng,…Cùng phong trào chung từng gia đình căn cứ vào từng ruộng cụ thể của gia đình mình để dọn sạch cỏ dại, gia cố bờ ruộng bảo đảm giữ nước tốt cho cả vụ, thuận lợi cho việc đi lại chăm sóc ruộng. Trước mắt cần giữ nước đầy để ngâm ruộng làm cho xác hữu cơ (gốc rạ,…) phân hủy, cỏ dại không mọc được, những ruộng có loại cỏ lên từ gốc thân, đốt thì tiến hành vơ thu gom lên bờ xử lý.
Trong thời gian này, những vùng, gia đình có điều kiện nên tiến hành dồn điền đổi thửa, tạo ruộng lớn để thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào nâng cao năng xuất lao động. Cày lật đất kết hợp bón vôi bột tăng phân hủy xác hữu cơ, diệt mầm bệnh, cải tạo đất,…
2, Diệt chuột, ỐC Bươu Vàng (OBV):
Việc diệt Chuột, OBV là công việc thường xuyên, diệt được nhiều hay ít không quan trọng bằng diệt đúng lúc, đúng thời điểm.
- Đối với chuột: Thời điểm dễ thực hiện, cho hiệu quả cao hạn chế nguồn chuột phá hại ngay từ đầu vụ và cho cả vụ tốt nhất là giai đoạn trước lúc vào gieo cấy vụ Xuân. Kết hợp phong trào ra quân làm thủy lợi cũng là dịp để tiến hành diệt chuột có thể bằng các hình thức như: Đào bắt, Bẫy, dùng thuốc,…Do đặc điểm của Chuột có thể di chuyển ruộng, sinh sản nhanh, cư trú khắp nơi,…nên việc diệt chuột chỉ cho hiệu quả cao khi tiếp hành đồng loạt, diện rộng, có trọng tâm nhất là vùng có nguồn thức ăn, cồn vệ, bờ mương, bãi tha ma, gia trại, trang trại, gần làng, gần núi,…
- Đối với OBV: Thường gây thiệt hại lớn ở thời kỳ lúa còn non mới gieo cấy vì vậy diệt OBV tốt nhất cũng là trước lúa vào gieo cấy vụ Xuân. Ở thời điểm này OBV sau mưa lụt đã tập trung đẻ trứng nhiều ở khu vực mương máng, bờ tường, cỏ - cây vùng ngập nước, ruộng nhiều cỏ dại,…vì vậy cần tập trung nhân lực ra quân để bắt, thu gom trứng về xử lý (chôn lấp, làm thức ăn gia súc,…). Những vùng có mật độ lớn có thể sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ trước (tuy nhiên nên hạn chế) tránh ảnh hưởng đến môi trường.
Có thể dùng các cọc tre, nứa, cây,…cắm ở mương, góc ruộng cho ốc đẻ trứng để thu gom hoặc dùng các sản phẩm nông nghiệp như lá khoai lang, đu đủ, vỏ xơ mít,…thả vào góc ruộng, mương để ốc tập trung tới ăn rồi thu gom,…
3, Làm đất, bón phân lót:
Hiện nay việc làm đất chủ yếu làm bằng máy “máy dập”, có điều kiện nên thực hiện sớm lần đầu dập sơ để ngâm ải, kết hợp bón vôi bột, nếu sử dụng phân chuồng chưa được hoai thì cũng nên bón sớm vào lần làm đất này. Trước khi gieo cấy làm đất kỹ, kết hợp bón phân chuồng hoai mục, phân tổng hợp NPK đúng lượng theo quy trình từng giống (vụ xuân nên bón nặng đầu, nhẹ cuối).
Thực tế hiện nay nhiều gia đình không còn chăn nuôi nên chỉ dùng phân bón hóa học, thậm chí không bón vôi nên không bảo đảm cân đối dinh dưỡng cho lúa sinh trưởng khỏe dẫn đến dễ phát sinh sâu bệnh hại. Vì vậy để có năng suất cao, chất lượng tốt, hạn chế sâu bệnh, OBV việc bón vôi, phân chuồng là rất cần thiết và nên có (vôi bột bón từ 20 – 30 kg/sào, Phân chuồng 300 – 400 kg/sào).
4, Chuẩn bị giống:
Trong sản xuất lúa hiện nay ở Nghệ An đang tồn tại 2 hình thức như: gieo mạ (mạ dược để cấy tay, mạ khay để cấy máy) và gieo thẳng “gieo vãi”. Tùy vào tập quán canh tác, kinh nghiệm và điều kiện từng vùng để lựa chọn hình thức cho phù hợp. Tuy nhiên, trong vụ xuân cấy vẫn cho nhiều ưu điểm hơn đó là tiết kiệm được lượng giống, cấy mật độ vừa phải, dễ chăm sóc, hạn chế chết rét,…nên cho năng suất cũng cao.
- Căn cứ vào điều kiện từng vùng, mục đích sản xuất để các địa phương lựa chọn các giống cho phù hợp (Lúa lai, Lúa thuần, Lúa chất lượng,…) trong bộ giống đã được Sở NN&PTNT đưa vào đề án sản xuất vụ xuân 2024. Trong cùng một cánh đồng thì chỉ nên sử dụng 2 đến 3 giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận lợi cho công tác chỉ đạo về kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh.
* Chú ý: Bà con sau khi đã xác định được loại giống cho gia đình thì mua tại các công ty, đại lý, cửa hàng có uy tín, có bảo hành, có hướng dẫn kỹ thuật. Hoặc sử dụng giống của các đơn vị ký hợp đồng liên kết, của HTX.
5, Xác định thời vụ, làm mạ:
Lập xuân năm nay vào ngày 04/02/2024 (tức ngày 25/12/2023 âm lịch), như vậy các trà lúa sẽ được bố trí gieo mạ từ đầu tháng 01 đến 15/01/2024 để cấy xong trước tết nguyên đán. Các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế từng cánh đồng, từng loại giống để khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân ra mạ đúng thời vụ theo nguyên tắc giống dài ngày ra mạ trước cấy trước để các trà lúa trỗ tập trung từ 20 – 30 tháng 4 (ruộng gieo thẳng tiến hành sau 7 ngày so với ra mạ).
Mạ có thể gieo tập trung từng khu đồng hoặc riêng từng gia đình, song tốt nhất nên tập trung để dễ quản lý. Căn cứ vào đặc điểm từng loại giống, trên cơ sở hướng dẫn sử dụng tại tờ rơi và cán bộ kỹ thuật để ngâm, ủ giống cho đúng kỹ thuật bảo đảm lúa nảy mầm cao nhất. Sau khi gieo tất cả diện tích mạ đều phải phủ nilon bảo đảm chống rét, chuột,…Chuẩn bị tro bếp, các chế phẩm chống rét để bón, phun cho mạ thời kỳ rét tăng khả năng chống rét cho mạ.
* Chú ý: Nên có lượng mạ dự phòng nhất định đủ cho việc dắm tỉa sau cấy, nhất là gặp trường hợp chết rét, gây hại của Chuột, OBV, Cua,…
6. Các điều kiện khác:
Ngoài các việc nêu trên, các địa phương cần quan tâm tới việc đánh giá nguồn nước (sông, hồ đập, ao,…) để điều tiết nước tưới hợp lý cho cả vụ, nhất là vào những thời kỳ lúa cần nước như đẻ nhánh, làm đòng – trỗ,…Chuẩn bị kỹ phương án phòng trừ dịch hại để tổ chức, khuyến cáo, chỉ đạo bà con nông dân áp dụng đạt hiệu quả cao nhất.
Bà con nông dân chuẩn bị đủ vật tư Phân bón, thuốc BVTV, bình phun thuốc,…để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, cán bộ kỹ thuật,…
(Nguồn sưu tầm)